Mua Lại 14 Nhà Máy MNS Feed Của Masan, Tổng Giám Đốc De Heus Châu Á Nói Gì Về Tham Vọng Tại Việt Nam?
Sau khi hoàn tất thương vụ mua lại mảng thức ăn chăn nuôi MNS Feed của Masan, De Heus trở thành doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam với 22 nhà máy. Việt Nam là "sân nhà" của De Heus tại khu vực châu Á
Với việc mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan, De Heus đặt ra những mục tiêu gì tại thị trường Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, thưa ông?
Thật ra việc mua lại 14 nhà máy hay bao nhiêu nhà máy không quan trọng. Điều chúng tôi quan tâm, đó là mua lại 2 nhãn hiệu thức ăn chăn nuôi Anco và Proconco, là những thương hiệu nổi tiếng nhiều năm ở thị trường Việt Nam. Mục tiêu chính trong thương vụ này là sẽ giúp chúng tôi sở hữu 22 nhà máy ở khắp đất nước, giúp De Heus đứng đầu thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập. Người chăn nuôi heo, gia cầm, bò, thuỷ sản sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Xu hướng của 1 số công ty lớn hiện nay là tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, tự nuôi, tự giết mổ… Còn chúng tôi sẽ hướng đến mục tiêu có nhiều đại lý, nhiều nhà phân phối ở các vùng miền, xây dựng các chuỗi liên kết để giúp người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận, đáp ứng yêu cầu cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường.
Đương nhiên, việc sở hữu thêm 14 nhà máy sẽ giúp chúng tôi giảm chi phí vận chuyển, giao hàng thuận lợi. Trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là làm thế nào để quản lý tốt chi phí, gia tăng lợi nhuận. Sở hữu nhiều nhà máy sẽ giúp chúng tôi đến gần người chăn nuôi hơn, bà con sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Chỉ cần giúp người chăn nuôi giảm chi phí ở 1 khâu, cũng đồng nghĩa chúng tôi giúp họ tăng lợi nhuận.
Sau khi mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan, thị phần của De Heus tại Việt Nam chiếm bao nhiêu?
Đó là 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, trong đó 6 nhà máy thuộc Proconco, 7 nhà máy thuộc Anco. Tổng công suất năm 2020 là gần 4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, từ thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) đến thủy sản (cá, tôm).
Cộng với các nhà máy hiện có của De Heus, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của chúng tôi tại Việt Nam tăng lên gấp đôi. Thực tế chúng tôi không đặt mục tiêu chiếm bao nhiêu thị phần, song trên thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập, chúng tôi đang đứng đầu.
Chúng tôi cũng không đặt mục tiêu tự nuôi heo, gia cầm hay thuỷ sản như một số doanh nghiệp. De Heus hợp tác cùng người chăn nuôi qua việc cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống chất lượng cao, tư vấn kỹ thuật... Mục đích cuối cùng là để cùng nhau phát triển bền vững, ổn định.
Được biết De Heus đã xuất khẩu một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi ra thị trường Đông Nam Á. De Heus đặt mục tiêu xuất khẩu như thế nào sau khi mua lại 14 nhà máy này?
Hiện De Heus đang xuất khẩu một số sản phẩm thức ăn đặc biệt cho cá biển, heo con sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên chúng tôi mua lại 14 nhà máy của Masan chủ yếu nhằm phục vụ thị trường nội địa.
Thị trường thức ăn gia cầm, gia súc, thuỷ sản của Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam giống như "sân nhà" của De Heus tại khu vực châu Á. Và chúng tôi luôn coi vị trí sân nhà là cực kì quan trọng. Khi đầu tư tốt cho thị trường sân nhà, chúng tôi tin rằng nó sẽ mang tính bền vững hơn.
Hiện nay giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng rất cao, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, tăng đàn. Đầu tư mua lại các nhà máy lúc này có phải là quyết định mạo hiểm của De Heus, thưa ông?
Tôi cho rằng giá nguyên liệu cao hay thấp là chuyện bình thường. Thị trường là như vậy, có lúc đi lên đi xuống. Dịch Covid-19 cũng như vậy thôi, cả thế giới đang cùng chiến đấu với Covid-19 chứ không riêng gì Việt Nam.
Hiện nay tốc độ tiêm vaccine đang thuận lợi, sắp tới Việt Nam sẽ phủ sóng vaccine tới phần đa dân số. Theo kế hoạch của Chính phủ, có thể tới quý II/2022 sẽ mở cửa cho du lịch nước ngoài. Điều này sẽ có tác động tích cực đến thị trường tiêu thụ thực phẩm, kích thích người chăn nuôi đầu tư. Vì vậy quyết định của chúng tôi không có gì là mạo hiểm.
Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp, công ty không dám đầu tư mảng mua bán, sáp nhập. Song đó lại chính là cơ hội cho chúng tôi.
Việt Nam đang đứng số 1 Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tuy nhiên sức cạnh tranh yếu vì phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Để cải thiện điều này, theo ông ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam cần làm gì?
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng mảng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam khả năng cạnh tranh yếu.
Trong hơn 10 năm qua, nhiều ngành kinh tế của Việt Nam cạnh tranh rất tốt, một số lĩnh vực còn đứng nhất nhì Đông Nam Á. Cái yếu của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam là ở chỗ giá thành còn cao so với Mỹ. Mỹ có thế mạnh về sản lượng ngô, đậu nành, lúa mì - là những nguyên liệu chính. Vì vậy giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Mỹ rẻ hơn.
Thực tế, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam so với Thái Lan, Myanmar không hề thua kém. Nhưng điểm chung của các nước khu vực châu Á là diện tích đất có hạn, không có nhiều đất trống để trồng ngô, đậu nành. Do đất chật người đông nên người nông dân phải lựa chọn những loại cây trồng đem lại lợi nhuận cao hơn.
Ví dụ như khí hậu, đất đai vùng Tây Nguyên rất thuận lợi để trồng ngô. Nhưng người nông dân có nhiều lựa chọn tốt hơn như trồng cà phê, hồ tiêu, chè, hạt điều, cao su… Cây ngô ở đây lép vế. Do đó cơ hội để Việt Nam chủ động hơn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không nhiều.
Khí hậu của Việt Nam rất thích hợp trồng ngô. Việt Nam có thể chuyển bớt những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, giúp tăng sản lượng ngô cho các nhà máy trong nước.
Có 1 loại nguyên liệu chính mà Việt Nam có thể tự sản xuất nhiều hơn, giảm lệ thuộc nhập khẩu, đó là đậu nành. Hiện đạm thực vật từ đậu nành hầu hết các nước chưa tự sản xuất được. Kể cả Trung Quốc là đất nước rộng lớn, cũng vẫn phải nhập.
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam nên tập trung vào các loại nông sản có thế mạnh, như rau, trái cây, cà phê… Còn các nước khác bán ngô, đậu tương rẻ hơn, dễ mua thì tội gì không nhập về.
Điều cần cải thiện bây giờ, chính là cần giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, chi phí giấy tờ hải quan, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc, kho bãi
Đó là những điều Việt Nam có thể nhanh chóng cải thiện, từ đó sẽ giảm nhanh chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu.